bàn về việc "học": khuyến khích trẻ tự do phát triển

bàn về việc "học": khuyến khích trẻ tự do phát triển


mình mới tìm được một trang rất hữu ích và đầy đủ thông tin về các phát triển của trẻ từ 1-9 tuổi về tất cả các mặt trong đó có vận động, toán học, ngôn ngữ, tình cảm, kĩ năng giao tiếp, v.v… các cha mẹ thông thạo tiếng Anh có thể lên trang http://www.pbs.org/parents/childdevelopmenttracker/

nhân tiện, mình cũng muốn chia sẻ thêm về cách dạy con đọc. hiện giờ, bé nhà mình được 31 tháng (hơn 2 tuổi rưỡi một chút). bên cạnh việc nói được tiếng Anh để gọi tên các sự vật, sự việc hàng ngày và để giao tiếp, thể hiện cảm xúc, mong muốn, bé đã thuộc bảng chữ cái tiếng Anh, cũng như có khả năng nhận diện và gọi tên được đầy đủ các chữ cái trong cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt (đối với tiếng Việt bé nhận diện và gọi tên được cả dấu). bé cũng bắt đầu biết xếp chữ và hiện có thể xếp được khoảng 40 từ nếu tính cả 2 ngôn ngữ.

tất nhiên, có những bố mẹ chờ đến khi con được đến trường học lớp 1 thì mới để cho con tập đọc, tập viết ở trường. chuyện dạy con đọc, viết trước độ tuổi đến trường hay không hoàn toàn là quyết định cá nhân của từng nhà, và cũng tùy thuộc vào từng đứa trẻ. nhà mình chọn dạy cho bé vì nhận ra bé rất quan tâm và thích thú với các chữ cái – nên càng thêm hoạt động mà bản thân bé thích thú trong cuộc sống hàng ngày thì lại càng tốt cho sự phát triển của bé.

bản thân mình trước kia cũng không hề tìm hiểu xem trẻ con bắt đầu biết nhận diện chữ cái và biết đọc là bắt đầu ở độ tuổi nào. tuy nhiên, có không ít các hiểu nhầm cho rằng phải đến một mốc thời gian “đúng” thì trẻ con mới có thể phát triển được một kĩ năng nào đó (trong khi độ tuổi từ khi bắt đầu một kĩ năng đến hoàn thiện kĩ năng đó có thể khác biệt tùy vào từng trẻ, có trẻ sớm, có trẻ muộn hơn – và sớm/muộn có thể không nói lên được điều gì nhiều về trí thông minh của trẻ), và muốn trẻ con học thì phải gửi đến trường lớp để cho thầy cô giáo có chuyên môn dạy.

nhận diện ABC

nhà mình hay cho bé xem các bài hát ABC tiếng Anh trên youtube kể từ khi bé dưới 1 tuổi. theo khuyến cáo của các chuyên gia nước ngoài, trẻ em dưới 2 tuổi không nên xem TV, điện thoại, Ipad hay máy tính, dù là ít. nên về khoản này, có lẽ nhà mình đã hơi sai lầm một chút :p

bên cạnh đó, mình cũng hay dạy bé các chữ cái trong sách.

đến khoảng thời gian xấp xỉ 2 tuổi, mình nhận ra bé đã thuộc làu bảng chữ cái tiếng Anh. khi đi ra ngoài đường và chỉ vào biển hiệu, bé đã có thể đọc được các chữ cái và các con số từ 1-10. 

sau đó, mình đã mua cho bé một bộ chữ cái ABC, tuy lúc đó chưa hề có ý định dạy bé xếp chữ.


xếp chữ và nhận diện từ

khi bé được khoảng 27-28 tháng, bỗng một hôm mình nảy ra ý định dạy bé xếp tên bé là “Bư”. mình chỉ xếp cho vui, chứ không nghĩ rằng bé sẽ quan tâm hay đã sẵn sàng cho việc xếp chữ.

đến khoảng tháng 29, một hôm khi đang chơi với bộ ABC, bé tự xếp chữ Bư sau một vài lần nhìn thấy mẹ xếp mẫu cho. từ đó đến nay, bé đã nhìn mẹ xếp mẫu và tự xếp được thêm các chữ sau: ông, bà, bố, mẹ, phở bò, cô tiên, hói, cơm, đậu, len, ăn, mom, dad, egg, car, cat, go, sun, key, boy, box, bag, dog, eye, go…. bên cạnh đó, có những từ bé chưa xếp được nhưng khi nhìn có thể nhận diện được và đọc ra (omelette, I’m Bư, Bư đi xe đạp, mèo, trứng, taxi, cậu Nhân, chú Hải, …). 

khi nào bé hứng thú, bé có thể ngồi chơi xếp chữ khá lâu để tự xếp các chữ đã biết. ngoài ra, những lúc như vậy mình cũng gợi ý cho bé học xếp các từ mới hoặc hỏi xem bé muốn học từ gì. thường bé sẽ đưa ngay ra mong muốn. 

như đã nói ở trên, bé thuộc bảng chữ cái tiếng Anh trước vì hay được nghe bài hát. nhưng đến khi học xếp chữ cả bằng tiếng Việt, bé nhanh chóng thuộc tên gọi các chữ cái và cả các dấu trong tiếng Việt. 

cũng có lúc bé không ở trong tâm trạng muốn xếp chữ. khi đó, 2 mẹ con mình sẽ chuyển sang chơi trò khác.

tóm lại, mình muốn nói điều gì?

theo pbs.org, các trẻ 2-3 tuổi thường hát được bài ABC nhưng phần lớn chưa hiểu rằng các chữ A,B,C khi nói ra có thể được viết dưới dạng chữ cái và các chữ này có thể được ghép lại để tạo thành từ đại diện cho một khái niệm trong cuộc sống.

thông điệp mình muốn gửi đến các bố mẹ ở đây KHÔNG PHẢI để nói rằng cần phải dạy con học bảng chữ cái thật sớm. mình muốn nhấn mạnh lại các điểm sau:

– trẻ con luôn luôn học hiệu quả nhất khi được chơi, và đặc biệt là khi được chơi khi bé muốn chơi, trong lượng thời gian mà bé muốn, hoàn tòan không bị gò ép.

– trẻ con cũng học hiệu quả nhất khi việc chơi gắn liền với các hoạt động cuộc sống hàng ngày, được người trông trẻ chính quan tâm đến các nhu cầu của trẻ, lắng nghe trẻ, nói chuyện với trẻ và hướng dẫn bé chơi cũng như cho bé có cơ hội giúp người lớn các việc nhỏ. bên cạnh việc cho bé nghe nhạc và xếp chữ, 2 mẹ con mình hay đọc sách cùng nhau, đọc các chữ cái và số ở biển hiệu ngoài đường hoặc các số nhà, để ý các từ, số và chữ cái trong thực đơn,… 

– mỗi đứa trẻ sẽ có các mối quan tâm khác nhau. nếu cha mẹ để ý thì sẽ nhận biết được các mối quan tâm của bé và hướng cho bé các hoạt động phù hợp để từ đó bé học hỏi về cuộc sống và có nhiều trò chơi đa dạng. 

– các trẻ cũng phát triển các kĩ năng ở lúc khác nhau. điều quan trọng là cha mẹ hãy để ý khi nào trẻ đã sẵn sàng cho một kĩ năng nào đó. nếu cha mẹ muốn dạy bé mà bé chưa sẵn sàng, hãy kiên nhẫn thêm một thời gian cho đến khi bé cho thấy rõ dấu hiệu rõ ràng rằng đã đến lúc.


chỉ có thầy cô và các cơ sở giáo dục mới biết họ đang làm gì?

có người khi nghe kể mình dạy tiếng Anh cho con thì bảo: “mẹ thì biết gì mà dạy. phải cho đến lớp chứ”.

mình đã có cơ hội dạy tiếng cho các bé từ 4 tuổi trở lên ở trên lớp (và cả gia sư), cũng như các bé ở độ tuổi tiểu học và trung học. đối với việc dạy tiếng Anh cho con, hiện giờ mình có thể khẳng định mình đã thành công ở mức độ nhất định vì bé có thể sử dụng tiếng Anh để nói chuyện với mẹ trong cuộc sống hàng ngày như tiếng Việt.

mình có thể khẳng định rằng việc học ở trên lớp đa phần là môi trường vô cùng không tự nhiên dành cho trẻ nhỏ, vì trẻ nhỏ có nhu cầu vận động cao, lại chưa có khả năng tập trung và tiếp thu như người lớn. trẻ con có nhiều năng lượng, và thường phải vừa được vận động, chạy nhảy (vâng, và nhiều khi là cả hò hét nữa) vừa được học thì mới học được ở mức hiệu quả. nhưng khi đến trường và làm trẻ con thì có khi trẻ lại bị mắng, bị phạt, vậy nên trẻ phải cố trở thành người lớn khi cả đầu óc lẫn cơ thể đều chưa sẵn sàng cho việc đó. điều này tạo nên áp lực tâm lý lớn cho trẻ và ảnh hưởng đến sự tò mò, bản năng khám phá thế giới cũng như trí thông minh nói chung. 

(khác với những gì chúng ta vẫn thường nghĩ rằng trí thông minh đơn giản có thể được đo bằng bài kiểm tra IQ, nhiều nhà khoa học thời nay cho rằng bài kiểm tra IQ đã lỗi thời, có nhiều loại trí thông minh, trí thông minh có thể thay đổi tùy giai đoạn trong cuộc đời phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không phải thứ bất biến. và đặc biệt nên nhớ rằng giai đoạn mang thai và 5 năm đầu đời có tác động vô cùng to lớn đến trí thông minh của trẻ trong suốt cuộc đời. có lẽ ở một blog khác mình sẽ tóm lược một chút nội dung trong một quyển sách mình rất ưng nói về phát triển trí thông minh ở trẻ nhỏ).

hơn nữa, môi trường đi học bị tách biệt ra hẳn khỏi cuộc sống khiến trẻ nhỏ dễ dàng thiếu “động lực” để học. nếu bạn có con, bạn chắc hẳn cũng đã thấy trẻ thích thú ra sao khi trẻ được bố mẹ cho đi phơi, rút quần áo, rửa bát, cất bát, cho chó mèo ăn,… cùng. cũng như vậy, học từ, học chữ hay học đếm đều là những kĩ năng không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày, và có vô vàn cơ hội trong các hoạt động thường ngày để cha mẹ có thể tận dụng để dạy bé các kĩ năng khác nhau. xin thêm rằng mình đã hỏi rất nhiều trẻ đi học từ độ tuổi tiểu học, trung học và cả sinh viên đại học rằng “có thích đi học không?”, thì câu trả lời luôn luôn là không. và khi câu trả lời là không trong số vô vàn người được hỏi, chúng ta nên quay ra đặt câu hỏi với hệ thống đã đi chệch đường ở đâu, chứ không nên kết luận rằng vì mọi người không ai muốn học (e hèm, vì bản năng của trẻ nhỏ từ khi sinh ra là HỌC. nhưng học có phải là ngồi học thuộc? là giữa bốn bức tường? là học cùng các bạn?).

mình cũng muốn thêm luôn rằng các đứa trẻ chỉ đi học tiếng Anh ở lớp và học thêm trung tâm 2 buổi 1 tuần không bao giờ sử dụng được tiếng Anh như con mình đang dùng mặc dù bé chỉ mới 2 tuổi rưỡi. so sánh được đưa ra từ kinh nghiệm dạy tiếng của mình không phải để cho thấy con mình thông minh, mà để nói rằng cách thức dạy tiếng cho trẻ như khi dạy tiếng Việt trong cuộc sống hàng ngày là cách thức hiệu quả nhất không gì bì được. lên lớp mới là liều thuốc cuối cùng khi ở bên ngoài không còn cách thức nào nữa.

lớp học ở mức cao nhất cũng chỉ là mô phỏng cuộc sống, và cho dù sự mô phỏng này có cao đến đâu thì cũng không thể biến thành cuộc sống.

chúng ta cũng thường cho rằng các nội dung học do trường lớp đưa ra mới là đúng và thực sự là các nội dung học cần thiết, mà quên không tự hỏi:

con tôi muốn học gì? con tôi tò mò về điều gì? 

hãy lắng nghe trẻ và trẻ sẽ cho bạn thấy những điều kì diệu bạn chưa bao giờ được thấy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *