Định nghĩa lại hội thoại

Định nghĩa lại hội thoại

 

Nói đến hội thoại, chúng ta ai cũng biết đó là cuộc nói chuyện giữa ít nhất hai người với nhau. Điều thú vị là khi tôi dạy các con cả tiếng Anh và tiếng Việt, tôi đã nhìn nhận “hội thoại” theo cách hoàn toàn khác. 

Trong giai đoạn mới dạy con tiếng Anh, đặc biệt là từ mới mà con chưa biết, tôi hay gặp các tình huống như ví dụ mà tôi gặp với con thứ hai của tôi sau đây:

Mẹ: Look, Siêu Tăm, what is this?
Tăm: cá!
Mẹ: ooh, that’s right. That’s a fish!
Tăm: fish!

Một số cha mẹ khi nghe con nói “cá” cảm thấy con đang không hợp tác, và băn khoăn xem mình nên làm gì để con nói tiếng Anh. Họ cho rằng như vậy là đứa trẻ không hợp tác. Do đó, không có câu tiếng Anh sau đó. Còn có một số chuyên gia khuyên: “Bạn hãy nói với con: ừ con, mẹ biết đó là con cá rồi. Nhưng mẹ muốn con nói tiếng Anh!” Tôi không nghĩ một đứa trẻ 2 tuổi sẽ hiểu câu giải thích loằng ngoằng đó. Một đứa trẻ lớn hơn sẽ phản ứng bằng cách từ chối. Nó cảm thấy hiểu biết và câu trả lời của nó bị phủ nhận. 

Câu trả lời đơn giản: Chẳng có gì phải thuyết phục cả.

Ví dụ ở trên chính là một đoạn hội thoại hoàn hảo, mặc dù có hai thứ tiếng được sử dụng.
Một số người khác có thể nói: “Rõ ràng là nó lẫn lộn ngôn ngữ.” 

Để tôi giải thích theo cách khác cho dễ hiểu: Bạn hãy tưởng tượng có một nút “convert” để chuyển toàn bộ nội dung của cuộc hội thoại trên sang một tiếng thứ 3, cho dù có cả những phần tiếng Anh và tiếng Việt. Bạn sẽ thấy nghĩa của những câu trong đó hoàn toàn ăn khớp với nhau. Như thế có nghĩa là đó là một cuộc hội thoại hoàn hảo. Đặc tính của một cuộc hội thoại là:

– Hai bên chú ý tới nhau và lời của nhau, hiểu lời của nhau.
– Hai bên phản ứng phù hợp và hoàn toàn ăn khớp với nhau.

Ngôn ngữ gì không quan trọng.

Hãy tưởng tượng hai người nói chuyện với nhau theo cách như sau:

Người A: Tôi thấy cái xe này đẹp thật.
Người B (không để ý, không buồn phản ứng gì và sau đó chuyển hướng): À này, tôi mới nhớ ra là hôm nọ tôi mới xem một bộ phim rất hay.

Cả hai người cùng nói một ngôn ngữ. Đúng. Nhưng đó có phải một cuộc hội thoại đúng nghĩa không – mặc dù hai câu nối liền nhau và hai người vẫn nói chuyện với nhau? Tôi nghĩ là không. 

Trong đoạn hội thoại về con cá với con tôi, con tôi hoàn toàn hiểu câu hỏi, nhưng nó không nhớ ra từ con cá trong tiếng Anh là gì, và do đó nó dùng từ nó đã biết trong tiếng Việt để thay thế. Nhiều người lớn không hiểu, và cho rằng đó là loạn ngôn ngữ. Thế thì tôi nghĩ hai người lớn nói chuyện theo cách như ví dụ của tôi đưa ở trên phải là … lẫn lộn mục đích hội thoại, hay là loạn chú ý, một cái gì đó tương tự, hoặc đơn giản hơn là hội chứng bố-mày-đếch-quan-tâm-mày-nói-gì-đấy.

Các tình huống như với con cá ở trên cũng từng xảy ra với con đầu của tôi, dạng như:

Mẹ: What’s that?
Con: It’s a …(nghĩ nghĩ) cây! (từ “Cây” thay đổi hoàn toàn ngữ điệu để giống với tiếng Anh)

Bạn cho rằng đó là loạn ngôn ngữ? Hãy nhìn cách đứa trẻ ngừng lại để nghĩ, và cách đứa trẻ thay đổi ngữ điệu. Nó hoàn toàn biết nó đang làm gì. Vì vậy, nếu điều đó xảy ra và sẽ xảy ra rất nhiều trong quá trình mới học, bạn chỉ cần nói: “Oh, you’re right. It’s a tree!” 

Khi trẻ phản ứng như vậy, tức là trẻ đã hiểu câu hỏi một cách hoàn hảo. Người lớn nên cảm thấy thú vị và ghi nhận câu trả lời, chứ không phải nói rằng: “No, you’re wrong. It’s a tree”. Nếu người lớn phản ứng tiêu cực nhiều lần như vậy, đứa trẻ sẽ cảm thấy bị phủ nhận, nó sẽ thấy khó chịu, và không muốn tham gia nói tiếng Anh nữa.

Cảm xúc của trẻ và thái độ của người lớn đối với trẻ cực kỳ quan trọng. Có thể nói đó là phần thiết yếu của quá trình học hỏi đòi hỏi người lớn phải cực kỳ nhạy cảm và khéo léo.
Một lần khác, tôi trêu con tôi, nên nói như thế này:

Mẹ: Can I…. tiêm you?
Bư: (phì cười)

Ngay cả bây giờ khi con lớn của tôi (5 tuổi) đã nói tiếng Anh thành thạo, chúng tôi vẫn thường xuyên có kiểu hội thoại này:

Bư: Mẹ ơi, mẹ có thấy cái túi của con đâu không?
Mẹ: I don’t know, Bư. I told you you’re in charge of your stuff. You look for it and then if you can’t find it, I’ll help you. Okay?
Bư: Được rồi mẹ. Không tìm được thì mẹ giúp nhé.
Mẹ: Okie dokie.
Bư: I can’t find it, Mommy.

Bây giờ thì bạn chắc đã thành chuyên gia sau khi đọc bài này. Hãy chẩn đoán giúp tôi xem trong cuộc hội thoại trên, tôi hay là con tôi bị loạn ngôn ngữ?


Khi bé chưa có khả năng dùng ngôn ngữ thành thạo, hãy tách biệt hai thứ tiếng, và đặc biệt không sử dụng chung trong cùng một đoạn hội thoại như “Này con, mình ra ngoài chơi đi. Ô, nhìn này, cái này đẹp chưa? Beautiful. Con thích không? Nice, con nhỉ?” Tôi rất mong các phụ huynh không dạy kiểu này và cũng không dùng ngôn ngữ theo cách này nếu không muốn khuyến khích con dùng theo như vậy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *