Vài nét về chim sơn ca

Vài nét về chim sơn ca

Những người yêu thiên nhiên, có đôi tai nhạy cảm một chút đều thừa nhận, sơn ca cũng như hoạ mi, là hai loài chim quý. Giọng hót của hai loài chim này không thể có tiếng hót loài chim nào sánh nổi.


Quê hương của hoạ mi là tất cả những quốc gia có khí hậu ôn đới. Quê hương của sơn ca phổ biến trên khắp thế giới, từ sa mạc sahara ở châu phi, đến những vùng lạnh như canada hay nga, và những nước đông nam á. Miền nam đồng bằng châu thổ sông Hồng quê tôi, chim sơn ca thì sinh ra, lớn lên, sinh con đẻ cái ở đây. Cứ cánh đồng nào có nhiều đồi, gò, lắm bụi cây hoang dại, triền sông rậm rạp là ở đó có chim sơn ca trú ngụ. ( khoảng tháng 9 đến tháng 10 âm, là mùa có sơn ca di cư từ Trung Quốc bay về, tam dừng chân khoảng 1 tháng rồi lại biến mất)

Cũng như hoạ mi, trời phú cho sơn ca có một giọng hót tuyệt diệu nên trời cũng bắt sơn ca phải mang một vẻ bề ngoài rất “quê mùa”; trông bề ngoài sơn ca còn thô mộc hơn cả hoạ mi. Hoạ mi còn có cái lưng, cái đuôi màu xám, cái bụng vàng ong óng, nhìn kỹ có chút duyên ngầm; còn sơn ca thì toàn thân màu nâu xám nhờn nhợt, trên lưng lại có những chấm, sọc đen, gần giống với bộ lông của con rẽ giun, con cò lửa, con gà đồng. Trông sơn ca lúc nào cũng lem luốc như vừa từ bùn đất nhoi lên vậy.

Suy cho cùng thì sơn ca phải mang bộ lông xấu xí như thế cũng là hợp lẽ, bởi phải có màu lông ấy sơn ca mới dễ lẫn với màu đất đai, cây cỏ, kẻ thù mới khó phát hiện. Sơn ca có giọng hót quá hay nên rất lắm kẻ thù. Rắn, chuột, cò, diều hâu, chim cắt, cáo, cầy hôi, chồn, kỳ đà… đều là những kẻ thù nguy hiểm của sơn ca. Chúng phát hiện ra tổ sơn ca là mò đến ăn mất trứng, giết chết sơn ca con.

Chính vì nhiều kẻ thù như thế, ngoài bộ lông xấu xí để nguỵ trang, thiên nhiên còn ban cho sơn ca một trí khôn hơn hẳn nhiều loài chim khác. Sơn ca không làm tổ trên cây, vì trên cây thì kẻ thù nào cũng nhìn thấy, chúng làm tổ ngay dưới mặt đất đồi, gò; nơi có những gốc cây, thảm cỏ. Sơn ca chọn những cái hốc nhỏ như vết nứt giữa hai tảng đất hay một vết chân người để làm tổ. Bên trên tổ, sơn ca nguỵ trang rất khéo. Tinh ranh như rắn, chuột đi qua cũng khó mà phát hiện. 
Mỗi khi sơn ca bay lên trời để hót hay bay đi kiếm ăn trở về, không bao giờ chúng sà xuống chính cái nơi có tổ của chúng. Bao giờ chúng cũng sà xuống một nơi cách xa tổ, để đánh lừa kẻ thù, rồi khi chân chạm đất chúng mới lủi rất nhanh, theo cách lủi của con chim cuốc. Về đến gần cửa tổ, quan sát xung quanh, cảm thấy an toàn, chúng mới khẽ khàng chui xuống tổ. Xuống tổ rồi, chúng dùng mỏ kéo những sợi rác lấp cửa tổ. Khi ra khỏi tổ, chúng cũng lủi một quãng xa rồi mới bay vọt lên bầu trời. Nhiều hôm những người nông dân quê tôi đi làm đồng sớm, trông thấy đôi chim bé tí, lông xỉn như màu đất, lủi rất nhanh từ vệ gò vào bụi cây, người ta chẳng hiểu là chim gì, liền gọi liều là con sẻ đất, con sẻ đồng. Thực ra đấy chính là đôi vợ chồng sơn ca.

Đàn sơn ca con vừa chui ra khỏi vỏ trứng đã được thừa hưởng sự khôn ngoan lanh lẹ từ bố mẹ. Đang còn ở trong tổ, bị kẻ thù phát hiện quấy phá, sơn ca bố mẹ vọt ra khỏi tổ, đàn sơn ca con cũng vọt theo sau, lủi rất nhanh bám đuôi bố mẹ. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *