Chim sơn ca

Chim sơn ca

Nếu người ta bắt được đàn sơn ca con (từ hai đến năm con) về nuôi dưỡng từ nhỏ thì tỷ lệ tử vong thấp, chúng dễ gần gũi, thân thiện với người hơn. Nhưng nuôi độc lập từ nhỏ, thiếu sự cộng hưởng của những con sơn ca có giọng hót tự nhiên, giọng hót của sơn ca trong lồng rất dễ biến âm, lạc điệu. Bởi thế, người ta phải để lồng chim sơn ca con gần với lồng chim sơn ca bổi đã được thuần hoá mà vẫn giữ nguyên giọng hót hoang dã để sơn ca con học hót.

Trong lúc kiếm ăn, nuôi con, sơn ca cũng phải lo đối phó với kẻ thù. Chỉ khi hót, sơn ca mới quên hết mọi ưu phiền âu lo. Nếu như hoạ mi khi hót đứng trên cành cây cao nhả ra từng tiết tấu, chỉ phải đề phòng có mỗi anh cú mèo mắt sáng về đêm thì sơn ca khi hót phải chui ra khỏi nơi ở bay lên không trung, vừa bay vừa hót. Càng lên cao tiếng hót của sơn ca càng thanh tao, luyến láy, du dương. Khi bóng sơn ca mất hút trong tầng mây rồi, nó vẫn ban tặng tiếng hót loang khắp vùng trời, thánh thót, khoan nhặt rơi xuống mặt đất.

Chính vì sơn ca cứ phải bay lên mới hót được nên khi người ta nuôi chim sơn ca cũng phải làm cái lồng có chiều cao hơn những cái lồng của các loài chim khác, để khi sơn ca, theo bản năng bay vọt lên hót, đầu nó không bị va vào đỉnh lồng. Tận dụng thứ âm thanh thánh thót của sơn ca, người ta còn dùng những con sơn ca hót hay để gần lồng những con chào mào, chích choè, bạc má để bọn này bắt chước giọng sơn ca.

Thủa tôi còn đi học phổ thông, ở quê tôi đất đai còn rộng, người chưa đông như bây giờ. Ngoài cánh đồng còn có những cái gò trồng chuối, bên dưới cỏ tranh, cỏ gừng mọc cao lút đầu người; những khóm tầm ma, dùng dành mọc trên những nấm mồ đắp đất… đấy chính là nơi trú ngụ, tồn sinh của chim sơn ca.

Chim sơn ca hót cả ngày lẫn đêm. Cứ hứng lên là chúng hót. Nhưng chúng hót dai dẳng, đam mê nhất là vào lúc tang tảng sáng, muộn hơn lúc hoạ mi hót một lát. Vậy nên cứ cái con hoạ mi ở bụi cây sau nhà tôi hót là tôi thức dậy đi học. Và bao giờ tôi cũng cắp sách đi tắt qua cánh đồng làng đến lớp học sơ tán ở làng trên. Chẳng hiểu sao cứ đến lúc tôi đi qua những cái gò, những ngôi mộ khu nghĩa địa cổ thì đôi sơn ca lại chui ra khỏi khóm tầm ma hay khóm dùng dành bay vọt lên tầng không, chim trống thì vừa bay vừa hót, chim mái thì nhào lộn phụ hoạ, cứ như là những tiết tấu tươi vui đó chúng chỉ dành tặng riêng cho tôi vậy.

Cùng một buổi sớm mà được cả hai loài chim ban tặng tiếng hót khiến tôi có cảm giác vô cùng hạnh phúc, quên cả khi ấy trong bụng đói meo, thậm chí quên cả những quả bom, quả đạn mà phản lực Mỹ ném xuống ngày hôm ấy có thể giết chết mình. Rồi trong tôi còn nảy ra ý so sánh: giọng của hoạ mi hoang dã, thánh thót, khúc chiết; giọng của sơn ca thì mềm mại, trong vắt, uyển chuyển. Có người thích giọng hoạ mi hơn giọng sơn ca, có người lại thích giọng sơn ca hơn giọng hoạ mi. Riêng tôi thì tôi thích cả hai. Bởi tâm hồn tuổi thơ của tôi được nuôi dưỡng bằng cả hai giọng chim tuyệt vời ấy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *