"Một ngôi trường chung cho thế giới – Giáo dục được hình dung lại"

"Một ngôi trường chung cho thế giới – Giáo dục được hình dung lại"

Mình đang đọc dở một quyển sách rất hay, mặc dù chưa đọc hết nhưng không chờ được thêm để giới thiệu với các bạn nào quan tâm.

Tựa đề cuốn sách đã được giới thiệu đầy đủ ở tên post, bản tiếng Anh là “The One World Schoolhouse: Education reimagined”.

Xin giới thiệu qua về tác giả (theo hiểu biết hạn hẹp của mình lúc này): Salman Khan, một nhà giáo dục người Mỹ sinh năm 1976, là người mở ra học viện Khan Academy với mong muốn định hình lại giáo dục, giúp cho người học tất cả các độ tuổi tiếp cận được với các tài liệu học miễn phí mà không cần phải tới trường qua sử dụng công nghệ, cụ thể là các video trên kênh youtube hiện đã có hơn 2 triệu subscribers với khoảng 5000 video. Các video hiện có chủ yếu liên quan đến các môn toán và khoa học. Khan Academy đã được Google và Bill Gates trợ cấp tổng cộng gần 10 triệu đô la Mỹ để phát triển học viện vào năm 2009. Năm 2012, Salman Khan được tạp chí Time bình chọn là 1 trong 100 người gây ảnh hưởng nhất trên toàn thế giới.

Bản dịch tiếng Việt mình đọc do Đào Minh Châu, Nguyễn Đức Việt, Trần Thị Lan Hương và Trần Thúy Hà dịch, mình không rõ liệu đã được chính thức xuất bản hay chưa.

Mình xin vắn tắt một vài điểm quan trọng mà bản thân hoàn toàn đồng ý với:

Kẽ hở của giáo dục truyền thống:

Theo Salman Khan, mô hình lớp học truyền thống có rất nhiều kẽ hở, cho dù kể cả khi nó được thiết kế với những mong muốn và ý định tốt đẹp đi nữa. Đó là một kiểu học thụ động, thầy giảng trò chép bài, người đi học trong cùng một lớp phải học cùng tốc độ và nội dung, khi thầy đã giảng xong bài thì chẳng còn mấy thời gian cho tương tác thực sự giữa giáo viên – học sinh. Trong khi đó, mỗi người đi học đều học ở tốc độ riêng và có cách học riêng. Những học sinh học chậm hơn ở một giai đoạn nhất định chưa chắc đã là kém thông minh hơn những học sinh học nhanh hơn. Salma Khan đã thử nghiệm kết hợp mô hình lớp học truyền thống và sử dụng phần mềm giáo dục: kết quả thật đáng ngạc nhiên – nếu được cho cơ hội học tập đúng với tốc độ của mình, những học sinh “kém” có thể trong chốc lát biến thành học sinh “giỏi”.

Trên lớp, các môn học lại được chia chẻ ra từng bài giảng riêng rẽ, khiến học sinh khó có thể hình dung được tất cả các mảnh ghép kiến thức khi ghép lại với nhau sẽ tạo ra bức tranh tổng thể. Hơn nữa, để hiểu được một khái niệm ở cấp cao hơn, mỗi người đi học phải nắm được các khái niệm cơ bản. Nhưng dù cho học sinh đã sẵn sàng hay chưa, giáo viên vẫn sẽ tiếp tục giảng tiếp các khái niệm phức tạp hơn, và dần dần các học sinh đã bị tụt hậu sẽ ngày càng tụt hậu, đơn giản vì chúng không có cơ hội được ngóc đầu lên. Cái mác “học sinh kém” cũng sẽ được gán cho các em này từ đây, và sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sự tự tin của các em và cả tương lai lâu dài nữa.

Các bài kiểm tra có một vai trò nhất định, nhưng chúng đang bị lạm dụng. Các bài kiểm tra thực chất chỉ có thể kiểm tra được xem một người đang hiểu được những vấn đề được kiểm tra ở mức bao nhiêu tại đúng thời điểm kiểm tra trong một thời gian làm bài cố định. Chúng không cho chúng ta thông tin về khả năng học của mỗi người và tiềm năng mỗi con người có. Hơn nữa, vẫn luôn có một số phần trăm nhất định khi học sinh làm đúng các câu hỏi vì ăn may, đoán mò, hoặc “trúng tủ”. Và điều gì sẽ xảy ra nếu thời gian kiểm tra không bị giới hạn? Người làm bài nhanh có phải người thông minh hơn?

Và quá nhiều bài tập về nhà liệu có cần thiết? Bài tập về nhà để giúp mục đích gì? Giúp học sinh hiểu bài hơn? Có trách nhiệm hơn? Nếu học sinh đã hiểu bài rồi thì sao? Hoặc nếu không hiểu? Có ai sẽ giúp các em nếu thời gian trên lớp không dành ra để thảo luận các vấn đề các em không hiểu? Có nhiều học sinh ở Mỹ còn phàn nàn rằng về nhà chúng không có thời gian để nghỉ ngơi. Thậm chí các em học sinh còn nói rằng chúng thích bài tập với số lượng ít nhưng có chất lượng còn hơn là những bài tập được giao cho có. Và thiếu ngủ trong suốt cuộc đời đi học do lượng bài quá nhiều quả thực không hề lý tưởng cho các học sinh chút nào. Các giáo viên đều được học về phương pháp giảng dạy, nhưng lại hoàn toàn không được học cách thức giao bài tập ra sao là hiệu quả.

Các quốc gia như Mỹ chi vô cùng nhiều tiền để phát triển giáo dục – nhưng nếu vẫn phát huy theo cách học truyền thống, số tiền này có thực sự đem lại hiệu quả?

Giáo dục thực sự?

Salman Khan cho rằng giáo dục ở hình thức cao nhất là tự giáo dục mình, và quá trình học chỉ có thể xảy ra khi người học chủ động học, không đơn giản chấp nhận những gì được dạy mà phải suy nghĩ để hiểu, và được quyền tự do quyết định mình học ở đâu và lúc nào. Khan muốn tận dụng sức mạnh của công nghệ và internet, nhưng cũng nhấn mạnh rằng công nghệ dùng vào việc tự học phải ra sao để tương tác giữa con người với nhau có thể nhiều hơn, chứ không phải ngược lại.

Phần cuối sách kể về quá trình thành lập học viện Khan và những thành tựu cũng như khó khăn mà Salman Khan gặp phải trong quá trình theo đuổi đam mê giáo dục của anh.

Mỗi một con người đều có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Vấn đề là chúng ta có được phép có cơ hội đó, chúng ta có cho bản thân mình cơ hội đó, và chúng ta có đem lại cơ hội tương tự cho những đứa trẻ hay không?

Cuốn sách còn rất nhiều điểm hay mà mình không thể đưa ra hết ở đây. Và chắc chắn là những tóm tắt của mình còn có thiếu sót.

Mong rằng các bạn quan tâm có thể tìm đọc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *