Triết lý giáo dục học viện Moore

Triết lý giáo dục học viện Moore

ảnh: http://www.hslda.ca/store/books/223


Khái quát về học viện Moore

Raymond S. Moore là người sáng lập ra tổ chức Moore, một tố chức homeschooling (hình thức giáo dục do bố mẹ tự dạy con ở nhà thay vì gửi trẻ đến trường) và học viện Moore cùng với vợ là Dorothy Moore sau khi thực hiện nhiều nghiên cứu giáo dục vào những năm 60, 70 của thế kỉ trước. Rất nhiều đại học lớn đã ủng hộ cách thức tiếp cận giáo dục mang tên “Moore Formula” do vợ chồng ông đề xuất và ông cũng đã được mời tham gia viết hơn 35 quyển sách giáo khoa ở bậc đại học. Hai vợ chồng ông đã viết và xuất bản nhiều sách về đề tài homeschooling. Học viện Moore đã giúp hàng ngàn gia đình giáo dục con cái trong 20 năm qua, trong đó rất nhiều trẻ sau đó đã học đại học thành công tại các đại học khắp nước Mỹ. 

Cống hiến giáo dục lớn của vợ chồng Moore là triết lý giáo dục cho rằng trẻ em cần sự chú ý riêng biệt của người hướng dẫn, đặc biệt ở độ tuổi 5 – 10. Học viện Moore cho rằng trẻ em cần được giáo dục nhưng trong môi trường hoàn toàn thư giãn, không stress hay ép buộc, kết quả học cao khi trẻ em được quan tâm 1-1 nhiều nhất có thể, được cho phép theo đuổi thứ chúng quan tâm, và học tập cũng như trưởng thành ở tốc độ riêng, không ai giống ai. Bên cạnh việc học tập, triết lý giáo dục Moore cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham gia làm việc nhà, tham gia các hoạt động cộng đồng, và làm việc được trả công tùy theo sức của trẻ. 

Nghiên cứu 

Tổ chức Moore, sau khi phân tích hơn 8000 nghiên cứu về trẻ em tại Mỹ, đã đưa ra kết luận rằng thay vì cố gắng đáp ứng nhu cầu của trẻ, chúng ta thường gửi trẻ đến trường hoặc các nhà trẻ quá sớm trước khi trẻ kịp sẵn sàng cho môi trường bên ngoài, để lại hậu quả lớn về tinh thần, cảm xúc ở trẻ. Nhiều chuyên gia giáo dục hàng đầu cũng cho rằng cho trẻ đi học quá sớm gây ra căng thẳng không tốt cho sự phát triển của trẻ. Những khó khăn trẻ gặp phải khi đi học quá sớm như sau:

1 – cảm giác không an toàn vì bị tách rời khỏi gia đình trong thời lượng lớn quá sớm.
2 – cảm giác bối rối dưới áp lực và luật lệ lớp học.
3 – bực mình, khó chịu vì phát triển giác quan, nhận thức, não và thể chất chưa sẵn sàng cho những bài giảng và áp lực trên lớp.
4 – tăng động do các cảm xúc ở trên và sự chưa sẵn sàng.
5 – thất bại do tất cả các yếu tố ở trên cộng lại.

Tổ chức Moore cho rằng trẻ em không cần phái đến trường (formal schooling – tức dạng lớp học kiểu truyền thống) cho đến khi ít nhất được 8 – 10 tuổi. Chuyên gia giáo dục William Roher, sau khi tham khảo nghiên cứu giáo dục tại 12 nước của Torsten Husen người Thụy Điển, cũng đã kết luận rằng tất cả những kiến thức cần học trong những năm trung học (ND – ở Mỹ là từ lớp 9 -12) có thể được học trong vòng 2-3 năm ở trường. Việc trì hoãn đến lớp học cho tới khi trẻ ở độ tuổi lớn hơn đồng nghĩa với thành công học tập của hàng triệu trẻ em, những đứa trẻ đang thất bại trong hệ thống hiện tại. 

Các thí nghiệm Piagetian (theo phương pháp của Piaget – nhà tâm lý học nối tiếng người Thụy Sĩ 1896 – 1980) cũng đã đưa ra bằng chứng rằng trẻ em chưa đủ trường thành về mặt nhận thức (bao gồm khả năng tập trung, chú ý, đánh giá, suy luận và xử lý thông tin, khả năng đưa ra quyết định và ngôn ngữ)  để đi học ở trường cho đến khi 12 tuổi.

Gần 1 thế kỉ trước, nhà giáo dục John Dewey cũng đã kêu gọi trẻ em chỉ đi học ở độ tuổi 8 hoặc muộn hơn. Còn nửa thế kỉ trước, Geber chứng minh rằng các bà mẹ châu Phi tầng lớp nghèo còn nuôi dạy được những đứa trẻ nhanh nhẹn, biết giao tiếp hơn cả những tầng lớp khá giả. Mermelstein và những người khác chứng minh rằng cho đến 9-10 tuổi, những đứa trẻ đến trường không giỏi giang hay thông minh hơn những đứa trẻ không đến trường. Chìa khóa giáo dục là sự yêu thương.

Tuy nhiên, rất ít các nhà giáo dục theo phong cách truyền thống hiểu được vấn đề này.

Harold McCurdy cũng kết luận:

“Giáo dục đại trà như hệ thống giáo dục công là một cuộc thí nghiệm khổng lồ […] và không có gì ngạc nhiên khi nó kìm hãm sự xuất hiện của nhân tài.”

Kết quả các bài kiếm tra đã được chuẩn hóa (standardized tests giống như dạng bài SAT được dùng trên toàn quốc ở Mỹ) cho thấy những trẻ em trong các gia đình khó khăn được cha mẹ dạy tại nhà có điểm trung bình 80.1%, cao hơn điểm trung bình của những đứa trẻ được đi học đầy đủ ở trường lớp.

Hơn nữa, nghiên cứu của đại học Cornell cho thấy những đứa trẻ dành quá nhiều thời gian với bạn đồng lứa hơn là với cha mẹ cho đến năm 11-12 tuổi sẽ trở nên quá phụ thuộc vào bạn bè (tức các ý kiến và thang giá trị cũng như hình ảnh bản thân đều bị ảnh hưởng bởi bạn đồng lứa).

Kết luận

Kết luận của học viện Moore bao gồm các điếm chính như sau:

Chúng ta cần cha mẹ trực tiếp giáo dục con cái nhiều hơn và giới hạn lượng thời gian học ở trường của trẻ hơn. Theo tờ Wall Street Journal, nhà an toàn gấp 15 lần so với một nhà trẻ thông thường đối với sự phát triển của trẻ về sức khỏe và hành vi. 

Trẻ em cũng cần được tự do quyết định điều chúng muốn khám phá học hỏi dưới sự hướng dẫn và yêu thương của người lớn; giới hạn các qui tắc và môi trường cứng nhắc của lớp học và sách vở. Cần tập trung dạy trẻ khả năng tự học và suy luận độc lập thay vì học vẹt kiến thức cũng như dạy trẻ làm việc nhà và tham gia vào các công việc gia đình thay vì chơi thể thao cạnh tranh và tham gia các hoạt động mang tính giải trí đơn thuần. Các cha mẹ cần được phổ biến nhiều hơn về cách giáo dục con cái.





Nguồn: moorefoundation.com
chú thích: bài dịch đã được giản lược đôi chút so với bài gốc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *