Huấn luyện mồi đất cột dây đánh trần.

Huấn luyện mồi đất cột dây đánh trần.

Trong tất cả các loại mồi cây và mồi đất (có úp bảo vệ) tôi được biết thì không có loại mồi nào bắt bổi trận nhiều bằng con mồi dây đánh trần, con mồi dây đánh trần nó có thể chinh phục được những con bổi “Vô cùng trận” mà những con mồi khác đều chào thua. Qua đó ta mới thấy được sự lợi hại và tầm quan trọng của con mồi dây đánh trần, cũng chính vì điểm này mà tôi đưa “Kỹ thuật huấn luyện mồi dây đánh trần” ra đây cho anh em cùng tham khảo. Mình dám chắc một điều rằng nếu ai may mắn sở hữu được một con mồi dây đánh trần loại “hay và khôn” thì bảo đảm trong nhà của người đó lúc nào cũng đầy dẫy bổi thật dữ và thật hay.

Lựa chọn mồi đất để huấn luyện đánh trần.

Để có được một kết quả mỹ mãn như mong đợi thì khâu chọn lựa mồi đất để huấn luyện thành mồi dây đánh trần là một điều hết sức quan trọng, thành hay bại là ở điểm này đây. Mình còn nhớ lúc trước cũng có vài con mồi nổi căng thành tích bắt bổi chỉ khoảng 30 đến 40 con nhưng do nôn nóng nên mình đã đem ra huấn luyện chỉ sau một tuần là hư luôn khó khăn là vậy cho nên khi ta chọn con mồi để đem ra huấn luyện thì phải chọn lựa thật kỹ lưỡng nếu không sẽ tốn công và vô tình làm hư một con mồi thật đáng tiếc, đây là những điểm cần phải biết:
1. Phải là con mồi đất thuộc, cực kỳ lì – dạn dĩ, gan dạ, có khả năng đứng trên ngón tay và có thâm niên cũng như thành tích cao, ít nhất cũng bắt được 300 con bổi.
2. Nên Chọn con gáy giọng sấm thổ vì loại này bền bỉ.
3. Chọn con có tướng mạo hùng dũng, to con, nói đúng hơn là càng to càng tốt mục đích là có sức chịu đựng cao khi đá lộn với bổi (điểm này quan trọng vì nếu mồi của bạn đá lộn dở hay tính chiến đấu không cao khi đụng những con bổi trận, bổi rừng đá ác chiến thì con mồi của bạn nó sẽ bị bể)
4. Chọn con có sức khỏe dẻo dai và sức chịu nắng tốt.
5. Chọn con có nước dồn nôn ruột hay chí ít cũng gù phóng 3 đến 4 đạc khi bổi về tàn cây.
6. Chọn con có nước gù hậu (gù khi bổi sà xuống đất) ít nhất cũng tầm 10 đạc, có nước dụ, thúc kèm, tráo trở liên tục (nếu anh nào có khả năng vừa đi vừa gáy vừa mổ mổ vài cọng rác, cọng cỏ thì tuyệt)
7. Chọn con mồi hơi ranh ma một tí hay nói đúng hơn là khôn khéo một tí (khi gặp bổi trận thì gù dai dẳng, dụ đủ cách, khi gặp bổi tơ thì gù lai rai thui. Nếu như gặp bổi tơ, bổi con mà mồi cứ cuốc lia lịa bảo đảm bổi sẽ sợ mà đi xa … )

Quy trình huấn luyện mồi dây đánh trần.

Sau khi chọn được con mồi đất ưng ý ta tiến hành huấn luyện (phải tốn nhiều công sức và kiên trì lắm đó nghe)

1. Giai đoạn một:
Cột dây vào chân chim. Ta nên chọn loại sợi dây nhợ siêu bền không đứt (cái này bán đầy dẫy ở những tiệm bán dụng cụ câu cá), ta nên mua loại dây có màu hơi sậm một tí.

Chúng ta cột sợi dây dài 15cm một đầu cột dính vào chân chim, đầu còn lại cột thành một cái vòng tròn nhỏ sao cho dễ xỏ vào cái cọc nhỏ (ghim) là được
Chú ý: khi ta cột gút vào chân chim thì không nên cột quá chặt (nếu ta cột quá chặt thì chân chim sẽ bị hư), cột sao cho sợi dây có thể xoay vòng quanh chân chim mà không bị tuột ra là được.

Cách cột như sau: – Trước tiên bạn nên cột một cái nút, cái nút này có nhiệm vụ cản, chặn không cho sợi dây siết sâu vào trong, kế đến ta cột một cái vòng sao cho vừa vặn với chân chim, ta thử bằng cách kéo hết cỡ vòng sẽ siết tối đa nhưng bị cái gút chặn lại thì cái vòng tròn nhỏ đó không thể siết vào chân chim được. Sau khi ta cột vào chân chim xong thì phía sau ta buộc thêm một cái nút nữa, mục đích chặn không cho cái vòng đó tuột ra khi chim mổ, rỉa … (Có hai cái nút một cái chặn không cho dây siết vào chân chim và một cái chặn không cho dây tuột ra).
– Cách khác ta hàn một cái khoen tròn bằng đồng sao cho vừa với chân chim, ta xỏ cái khoen ấy vào chân chim (sỏ vào chân chim thì hơi khó nhưng khi xong thì trông thẩm mỹ hơn, đẹp hơn nhưng cách sỏ này rất dễ làm cho chim bị bể do đau và có khả năng tắt tiếng cho nên khi nó là con bổi mới bắt về nếu ta chọn chuẩn về tướng tá thì ta cho nó đeo kiềng ngay từ lúc đầu thì sau này tốt hơn). Sau khi có kiềng ta chỉ việc cột sợi dây vào cái kiềng đó là xong.

– Còn một cách nữa là uốn cái khoen đồng xong, dùng kìm mở chỗ mối nối vừa đủ để khi tròng vô chân chim cho dễ. Dùng giấy cách nhiệt (nếu không có dùng giấy bìa cứng cũng được) cắt vừa đủ để cuộn tròn chân chim làm lớp lót bảo vệ, tròng cái khoen vào, uốn nắn sao cho vừa ý, đẹp mắt, hai mối nối thật khít với nhau sau đó hàn lại (bạn dùng loại mỏ hàn thiếc mà thợ điện tử hay dùng). Nếu chưa quen với công việc hàn thiếc bạn nên tập hàn thử vài lần với cái khoen làm mẫu với khi quen rùi thì mối hàn này chỉ mất 30 giây là ok. Bạn không nên lo lắng chân chim bị nóng hay bất cứ ảnh hưởng gì vì đã có lớp giấy lót bảo vệ. Sau khi hàn xong chờ cho mối hàn hết nóng rút giấy lót ra thế là ok.
Trong thời gian đầu chim sẽ rất khó chịu vì sợi dây làm cho vướng víu nó sẽ mổ, cắn, rĩa suốt ngày, ta cứ để cho nó cắn cho đã dần dần nó sẽ quen không còn cắn rĩa nữa thì ta chuyển nó sang giai đoạn hai.
2. Giai đoạn hai:
Ta đắp một cái mô hay cái ụ đất nhỏ có đường kính 15cm, cao từ 7 đến 10cm sau đó ta dùng cái úp bảo vệ úp lên rùi thả con mồi vào, lấy cây ghim găm sợi dây chân vào giữa ụ đất, lúc này chim sẽ đi lại bị sợi nhợ kéo giữ lại chim sẽ rất khó chịu, có con thì đi đi lại đứng lên ụ đất nhưng có con thì kéo dài sợi dây hết cỡ nằm giật giật sợi dây trầy cả chân, gọi là hiện tượng “nằm vạ”. Khi thấy chim nằm vạ ta ra dùng tay nâng nhẹ, đỡ cho nó đứng lên ụ đất. Vụ này thì bạn phải kiên nhẫn vì có con bạn mới đỡ nó lên ụ đất quay đi vài ba bước thì nó lại nằm vạ tiếp ai nổi nóng thì không được nhớ nghen. Cứ tập như vậy đến khi nào nó chịu đứng trên ụ đất rĩa lông, đi đi lại lại vòng quanh ụ đất là được (nên nhớ thời gian luyện tập ở giai đoạn này là không hạn chế).
3. Giai đoạn ba:
Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng, thành hay bại là ở đây, chúng ta nên cẩn thận nhé!
Ở giai đoạn này chúng ta gở chụp ra (bỏ cái úp ra), lúc này chim sẽ nhìn khung cảnh xung quanh rất rộng, không còn cái cảm giác “Chim lồng – cá chậu” nên nó sẽ bay, khi bay thì bị sợi dây chân kéo lại nên nó chỉ bay vòng vòng sau đó rớt bịch và nằm thở … rồi lại bay tiếp … rồi lại bịch và thở tiếp, lúc này ta không nên thả chim lâu mà chỉ 30 phút là đem nó vào lồng, nếu ta cho nó bay và rớt như vậy vài tiếng đồng hồ thì nó sẽ bể luôn.
Ta tập như vậy trong một tuần liên tục, nếu con nào không tiến bộ, không cải thiện không chịu đứng trên ụ đất thì ta nên loại bỏ, có tập nữa cũng không chơi được (vì nó bị bể rồi, hiện tượng bị bể: khi ta đến gần nó sẽ ú ú như gặp bồ cắt, teo tóp lại, thân mình hơi run run)
Nếu con nào sau một tuần mà nó chịu đứng trên ụ đất rĩa lông, mổ đất ăn nhìn thư thái ung dung tự tại thì ta cứ để cho nó đứng như vậy khoảng 10 đến 15 ngày nữa. Nếu nó thản nhiên rỉa lông, khi ta đến gần nó vẫn tỏ ra bình thường thì ta chuyển nó qua giai đoạn tiếp theo.

4. Giai đoạn bốn:
Ở giai đoạn này đa phần mồi đều đã chịu đứng trên ụ đất nhưng đa phần là không gáy vậy ta phải làm sao đây? Sáng, trưa, hoặc chiều … (nói chung là khi nào bạn rảnh) hãy đem con mồi dây ra cho nó đứng lên trên ụ đất, sau đó ta tìm một con mồi khác thả ra cho nó đi ngoài đất cách con mồi dây 2 đến 3m rùi lùa sao cho con mồi vừa thả ra đi về hướng con mồi dây, ta vừa đuổi nhẹ vừa quan sát động tĩnh của con mồi dây ra sao nhé! Có hai trường hợp xảy ra như sau:
– Trường hợp thứ nhất:
Khi con mồi thả đến gần con mồi dây (cách 40 đến 50cm) con mồi dây không dám gáy gù mà teo lại thì ta can ngay không cho con mồi thả đến gần hơn mà cho nó vào lồng, ta phải tốn thêm thời gian để tập cho con mồi dây chửng chạc hơn sau đó mới làm lại.
– Trường hợp thứ hai:
Khi con mồi thả đến gần con mồi dây phù cái cổ, sừ, dựng mấy cọng lông lưng lên sau đó gù … thì ta có quyền hy vọng, không sớm thì muộn mình sẽ có được con mồi dây cho mà coi, lúc này ta cứ để cho hai con mồi tha hồ gáy, gù nhưng nhất định không cho đá nhau, hai con đấu nhau khoảng 15 đến 20 phút thì can ra cho vào lồng hôm sau tập tiếp (ta cũng nên thay đổi con mồi thả cho con mồi tập dây nó hăng hơn). Tập như vậy trong một tuần sau đó ta bắt đầu cho chúng cọ sát, đá nhau nhưng chỉ cho đá vài cái hay nói đúng hơn là cho đá sơ sơ, tập như vậy mãi cho đến khi ta nhận thấy con mồi dây biết lấy cái ụ đất làm nơi phòng thủ và tấn công là được. Ở đây sẽ có nhiều bạn cho rằng tôi nói sạo, con vật làm sao biết lấy điểm nào, chổ nào để làm nơi phòng thủ và tấn công đối phương …. Xin thưa:
– Điểm mạnh của con mồi dây là đứng cao hơn các con bổi nhờ vào ụ đất nên sức tấn công từ trên cao xuống sẽ mạnh hơn là khi tấn công ngang ngang.
– Điểm yếu của con mồi dây là bị cái dây cột chân làm cho vướng víu, cánh bị cắt ngắn xoay trở không nhanh, tấn công đối phương khó và ko mạnh như khi đủ lông cánh (cũng vì điểm yếu này mà ta cho nó đá nhau với nhiều con mồi khác nhau cho nó thuần thục, để sau này ra trận nó ít bị bổi trận đá).
Trong thực tế khi con bổi từ trên cao sà xuống đất nó sẽ đứng lại vài giây quan sát con mồi dây sau đó nó đi thẳng về hướng có con mồi (vừa đi vừa gù, có con vừa chạy vừa gù) nhưng khi đến gần (cách 30 đến 40cm) thì con bổi rừng sẽ lao ngay về hướng con mồi và bị dò siết ngay (chưa vào đến nội cung là đã bị bắt), nhưng nếu là con bổi trận thì nó sẽ đi vòng vòng vừa gù vừa sàn, vừa đi vừa ngó đến giai đoạn mùi nó sẽ nhảy qua hàng rào dò tấn công con mồi, nó sẽ đậu thẳng trên lưng con mồi đá ít nhất 2 phát. Con mồi khôn sẽ chạy từ trên ụ đất xuống dưới làm cho con bổi té xuống (không còn dậm trên lưng nó đc nữa) Khi đó con mồi sẽ chạy ngược lên lấy điểm cao của ụ đất làm căn cứ tấn công, khi con bổi nhào đến nó sẽ đánh từ trên xuống làm cho con bổi văng ra xa, qua cả hàng rào phòng thủ, con bổi tức chí lao thẳng vào và từ từ té xuống, và ta cũng từ từ đi đến cho em nó vào túi rút … đã không? (Cái vụ này mình quan sát con Giao long nó đá với bổi, đụng con nào nó cũng ra chiêu như vậy … ). Song giai đoạn 4 chúng ta qua giai đoạn năm nhé!

5. Giai đoạn năm: Cọ sát thực tế.
Các bạn nên nhớ kỹ là sau khi con mồi biết lấy ụ đất là chiến tuyến phòng thủ của mình thì ta mới bắt tay vào việc cho nó va chạm vào thực tế, thời gian đầu ta chỉ nên đánh thử một đến hai kèo là về.
Ở giai đoạn này khi cọ sát thực tế rừng thật, bổi thật sẽ có những tình huống xảy ra như sau:
1. Con mồi sau khi thả ra đứng trên ụ đất vẫn gáy vẫn gù…. nhưng khi bổi về tàn cây gù đấu thì con mồi đứng dưới đất lại cứ tung lên, lao lên, có con lại quạt cánh bay vòng vòng, gọi là hiện tượng “bói bổi” (do nó hăng quá).
– Khi “Bói bổi” xong có con sẽ gáy liền nhưng có con phải mất từ 5 đến 10 phút sau mới gáy, khi gặp hiện tượng này ta chỉ cho nó va chạm thực tế nhiều nhiều, khi nó bắt được 5 đến 7 con bổi thì nó sẽ thuần tính lại không còn “bói” nữa.
– Có con lại kéo dây căng ra nằm vạ luôn, bỏ vị trí ụ đất. Anh này chưa được, đem về tiếp tục huấn luyện ở giai đoạn bốn đến khi nào thuần thục ta mới chuyển nó qua giai đoạn năm.
2. Khi ta thả ra con mồi vẫn gáy vẫn gù … nhưng khi bổi trên cao vừa chấm đất thì con mồi nó gù đúng một đạc sau đó nó teo lại hoặc đứng tĩnh bơ rĩa lông (hiện tượng này vẫn thường thấy do trong quá trình huấn luyện ta đã cho nó đá với con mồi khác, nó bị nội thương nặng, ê ẩm mình mẩy, cũng có khả năng nó đang ở giai đoạn thay lông nên không dám đá với bổi). Khi bị hiện tượng này thì chúng ta đem về dưỡng lại một thời gian.
3. Khi nó đứng trên ụ đất gáy gù inh ỏi… ta quan sát nó chứng tỏ tài năng y như những con mồi chinh chiến, trổ tài dụ bổi khi bổi đứng trên tàn cây, rồi khi bổi sà xuống đất, bổi chạy vào giáp mặt gù đấu và cho đến khi ta cho con bổi đó vào túi rút là chúng ta đã thành công. Hãy chuẩn bị thật nhiều túi rút và nhiều lồng để chứa bổi trận.

Lưu ý khi đánh mồi dây.

Như các bạn cũng đã biết huấn luyện một con mồi dây không phải là câu chuyện một sớm một chiều, trãi qua biết bao thăng trầm, trở ngại, ta đã đổ biết bao mồ hôi và tâm huyết sự đào luyện mới mong có ngày thành công. Thế nhưng trong thực tế thì mồi dây đánh trần chỉ đếm được trên đầu ngón tay, đa phần đều rất hay về phương diện bắt bổi trận nhưng có một nghịch lý là tuổi thọ thường không được kéo dài, phần lớn là yểu mạng, đó là một thực trạng đáng buồn, cũng vì lẽ đó những anh em đang sở hữu mồi dây đánh trần cần đề phòng và cảnh giác với kẻ thù của chim cu được tốt hơn.
1. Không nên ngồi quá xa khu vực mà ta thả mồi, luôn luôn giữ một khoảng cách an toàn 20 đến 30m. Nơi ẩn núp phải là nơi có thể nhìn bao quát được xung quanh.
2. Không nên ngó lung tung hay lơ đễnh mà ta phải thật sự tập trung luôn luôn cảnh giác cao độ.
3. Chúng ta chỉ cần nhìn một điểm duy nhất đó là phần cổ và đầu của con mồi dây, nên quan sat kỹ phần đầu nhé!
– Khi ta thả con mồi ra ụ đất thì có các hiện tượng sau:
+ Đứng ung dung rĩa lông, mổ cỏ, đi vòng vòng quanh ụ đất … hiện tượng an toàn.
+ Nghe ngóng và phù phù cái cổ gáy ngay, điều này cho biết đây là khu vực an toàn mà khu vực này có bổi vì một con mồi khôn sẽ nghe hơi rừng biết ngay là có bổi hay không có bổi.
+ Đứng im re và ngóng cao cổ y như chết trân, ta ra ngay vị trí ẩn núp nhìn xem xung quanh coi có trâu bò chó mèo hay người lạ đến gần hay không nhé!
+ Nó nằm mọp xuống ụ đất (đối với mồi khôn) hoặc kêu lên tiếng ụ ụ hay ồ ồ gì đó (tức là tiếng sợ khi thấy bồ cắt đó) nguy hiểm đó, ta ra ngay đem nó đi đánh vùng khác.
+ Kéo căng dây nằm dài hay hơi tung tung thì ra ngay coi chừng có kiến đất hay nó bị nắng quá, hốc quá nên muốn vào chổ bóng mát, dời ngay vào bóng râm nhé.
4. Thỉnh thoảng ta nên quan sát xung quanh xem có người lạ nào cầm súng hơi đi săn không nhé, nếu không cẩn thận thì họ sẽ bắn ngay vào con mồi vì nó chẳng khác gì so với con bổi đang ăn dưới đất … cẩn thận nghen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *