homeschooling: ở nhà tôi và các con làm gì?

homeschooling: ở nhà tôi và các con làm gì?

Thật khó để giải thích với mọi người là ở nhà ba mẹ con tôi làm gì cả ngày. Khó hơn nữa là giải thích cho những người nhìn thấy chúng tôi ở nhà với nhau để họ hiểu chuyện gì đang diễn ra: Chúng tôi chỉ chơi đùa ngẫu hứng, nói chuyện vui với nhau, làm mọi việc đơn giản ở nhà cùng nhau, đọc sách với nhau, hát và nhảy nhót cùng nhau.

Khi xảy ra mâu thuẫn, chúng tôi cùng nhau giải quyết. Chúng tôi giúp đỡ nhau. Khi tôi cáu bẳn hoặc buồn bã, các con nhắc nhở rồi an ủi tôi. Khi một trong hai đứa khóc nhè, tôi và đứa còn lại lại ra an ủi nó. Chúng tôi nhắc nhở nhau cái gì tốt cho sức khỏe, cái gì không, và giới hạn ở đâu cho mỗi hành vi.

Đến khi tôi mệt, tôi ra một góc nghỉ, đọc sách hoặc ngủ. Hai đứa lại tiếp tục chơi với nhau cho tới khi một trong hai đứa buồn ngủ. Nó chạy ra chỗ mẹ, rúc vào mẹ để ngủ. Đứa còn lại chơi một lát cũng thiếp đi nốt – hoặc chơi lặng lẽ một mình.

Sau khá lâu, tôi mới hiểu ra mình đang làm gì. Tôi không phải là người lên kế hoạch. Tôi là người khám phá ra kế hoạch dành cho mình. Đến bây giờ, tôi mới có thể hiểu được những gì mà tôi làm bấy lâu nay nhưng tôi không đủ khả năng diễn tả thành lời.

Các hoạt động ở nhà của chúng tôi có thể được nhóm thành một số dạng căn bản:

1. Hoạt động chung khi các cá nhân đều tham gia với vai trò như nhau, không ai đi trước hay đi sau. Các hoạt động này chủ yếu là các cuộc nói chuyện, chơi đùa ngẫu hứng, hát hò, nhảy nhót, đọc sách. Các hoạt động này nhằm mục đích gắn kết các thành viên, giúp các thành viên hiểu nhau, tin tưởng nhau và hạnh phúc cùng nhau. Chúng tôi cũng ra cửa hàng, quán xá cùng nhau. (Chúng tôi thậm chí còn có bạn chung nữa!)

2. Hoạt động chung trong đó một cá nhân đóng vai trò giúp đỡ các cá nhân còn lại. Những hoạt động này chủ yếu là các nhu cầu ăn uống, vệ sinh (những việc mà các con chưa hoàn toàn tự làm được và vẫn cần giúp đỡ ít hoặc nhiều tùy việc), nhu cầu cảm xúc (khi thành viên nào đó cáu giận, cần được giúp đỡ), mâu thuẫn giữa các cá nhân (ví dụ như mẹ hướng dẫn hai chị em giải quyết mâu thuẫn, hoặc đứa em hoặc chị tự giải quyết mâu thuẫn). Đôi khi trong khi nói chuyện, con lớn của tôi cũng có những câu hỏi. Tôi thường đặt câu hỏi ngược lại để con trả lời (đây là một “chiêu” đơn giản nhưng hiệu quả để con suy nghĩ thêm), và chia sẻ thêm những gì tôi biết.
 
Tôi cũng đóng vai trò khuyến khích chị hoặc em tự giúp nhau bằng cách đưa ra gợi ý: “Con có muốn lấy sách cho em không? Con có muốn cho chị mượn đồ chơi không?”

Giờ đi ị của một đứa cũng có thể là một hoạt động chung! Khi Siêu Tăm đi ị và ngồi trên toa-lét, tôi thường hỏi: “Bư ơi, con có muốn ngồi cạnh em để nói chuyện với em không? Con có muốn lấy sách cho em rồi đọc cho em không?” Đôi khi Bư muốn, và đôi khi thì không.

Bư hay giúp em rửa tay và xúc cho em ăn. Có lúc Bư còn thử mặc quần áo cho Tăm, lấy bỉm cho Tăm, và giúp tăm trèo lên trèo xuống ghế những khi Tăm gặp khó khăn. Ngược lại, Siêu Tăm cũng thích xúc cho chị, xúc cho mọi người ăn vài miếng, và thích tự lấy giấy vệ sinh để giả vờ… chùi đít cho chị.

3. Hoạt động riêng biệt phục vụ không gian tinh thần riêng của từng cá nhân. Đôi khi trong lúc hai đứa chơi với nhau, tôi sẽ tự tách ra để làm việc của tôi: đọc, viết, ngẫm, nghỉ, làm việc nhà, hoặc chẳng làm gì cả. Cũng có lúc Bư tự tách ra để mẹ và em chơi riêng. Siêu Tăm (2 tuổi) còn quá bé, chưa có khả năng chơi một mình mấy. Còn Bư thì có khả năng tự chơi trong yên lặng lúc mẹ và em đi ngủ. Bư có thể xem hoạt hình với thời lượng nhất định, tự chơi đồ chơi, vẽ hoặc đọc sách.

* * *

Không có công thức nào chung cho các gia đình nếu chọn giáo dục con tại nhà.

“Công thức” là cái mỗi gia đình phải tự tìm ra. Vì bạn là duy nhất, con cái bạn là duy nhất, gia đình bạn là duy nhất. Bạn không có nghĩa vụ bắt mình phải dạy con theo cách mà một ai đó nói rằng rất tốt cho trẻ em. Bạn cần tìm ra một cách có thể cân bằng được nhu cầu và mong muốn của bạn với nhu cầu và mong muốn của các con.

Tìm ra được câu trả lời là một hành trình nhiều khám phá, tìm tòi, nhiều câu hỏi, với không ít thử nghiệm và sai lầm.

Nhưng cứ có câu hỏi là sẽ tìm được câu trả lời.

Điều đáng sợ nhất là sống mà không biết hỏi, biết hỏi nhưng không dám tự tìm câu trả lời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *